Vô chính trị bao gồm nhiều yếu tố cấu thành nhưng trong đó phải kể đến sự “mù” về lịch sử. Muốn nói gì thì nói nhưng một người nào đó, dù ở cương vị nào trong xã hội mà lại mù tịt về lịch sử và truyền thống của dân tộc và đất nước mình là điều khó chấp nhận.
Một sự thật đau lòng là ngày có nhiều người như thế.
Lịch sử hiện đại nước ta là lịch sử đấu tranh cách mạng, gắn liền với một thể chế chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Thí sinh Phạm Xuân Hải dự thi môn lịch sử
Nếu nói những người ít học thì ít hiểu biết về lịch sử nhưng cũng không hẳn như thế. Có những ông bà nông dân chân lấm tay bùn, quanh năm vất vả với ruộng đồng nhưng lại khá am tường khi nói về sử sách. Trái lại, học vị nọ nghe có vẻ rất oai nhưng lại lơ mơ về lịch sử. Cơn lốc làm giàu và lo kiếm tiền hoặc mãi ăn chơi đua đòi đã khiến họ lãng quên tất cả.
Thế mới có chuyện, không ít người ra đường thấy xuất hiện cờ hoa, bang rôn, biểu ngữ kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước mà lại hỏi nhau “hôm nay có cái gì mà đường phố, công sở có vẻ sặc sở thế?”.
Thế mới có chuyện, liếc xem tivi tường thuật những cuộc mít tinh lớn lại có người ngơ ngác hỏi “các vị lãnh đạo lại họp hành cái gì thế nhỉ?”.
Thế mới có chuyện, trong cuộc thi người đẹp, một cô gái đẹp như mơ lại trả lời Ban Giám khảo là: “Trận Điện Biên Phủ diễn ra ở Tây Ninh. Chỉ huy chiến dịch đó là Trần Hưng Đạo!”. Rồi biên tập viên truyền hình nói rằng, Ngô Quyền 3 lần đánh thắng quân Mông Nguyên…
Tệ hại nữa là lâu nay, nhiều trí thức trẻ còn không biết đến chức danh của 4 vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà Nước, Chính phủ và Quốc hội. Và họ cũng chẳng biết đến chức năng, nhiệm vụ của 4 cơ quan quyền lực cao nhất ấy là gì. Cho nên có người là cử nhân mà còn thắc mắc rằng: “Sao đã có Quốc hội rồi mà lại còn có Đảng và Chính phủ để làm gì?”. thậm chí đã có người phát ngôn rất tùy tiện rằng: “Tôi chỉ biết lo làm ăn, kiếm tiền thôi. Có tiền rồi thì lo ăn gì, chơi đâu, thế là hết, còn ai làm lãnh đạo, tôi chẳng quan tâm”.
Bàng quan, thờ ơ trước cuộc sống đến mức ấy thì nguy lắm rồi!
Thế hệ trẻ đang có xu hướng lãng quên và không hề hiểu biết gì về lịch sử dân tộc. Vậy mà mấy năm nay, ngành giáo dục đã từng bước buông xuôi việc dạy sử và thi sử.
Năm nay, cả nước có 930.000 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia nhưng chỉ có 131.697 thí sinh đăng ký thi môn lịch sử, chiếm 15,3%. Trong đó, 38.167 thí sinh chỉ đề xuất xét tốt nghiệp THPT. Tại TPHCM, trong 55.615 thí sinh dự thi THPT quốc gia, chỉ có 3.908 thí sinh thi môn Lịch sử, chiếm 14,2%. Và kết quả điểm thi môn Lịch sử cũng thấp nhất trong 8 môn thi. 4 cụm tại TPHCM cũng ghi nhận điểm thi môn Lịch sử thấp kỷ lục. 984 thí sinh thi môn Lịch sử nhưng có 41 thí sinh bị điểm liệt, trong đó có 4 bài thi 0 điểm, còn lại ở mức 2 – 3 điểm.
Đáng buồn là có điểm thi lại chỉ có một thí sinh dự thi nhưng vẫn phải bố trí đủ ban bệ, nhân sự phục vụ cho điểm thi ấy, rất tốn kém và lãng phí. Đó là điểm thi trường THPT Yên Thành 2, huyện Yên thành (Nghệ An), duy nhất thí sinh Phạm Xuân Hải dự thi môn Lịch sử. Hội đồng coi thi vẫn bó trí 66 cán bộ phục vụ sĩ tử này. Nhưng vì ngành giáo dục đã quy định cho học sinh tự nguyện đăng ký môn thi mà mình thích thì ở trường đó chỉ có một học sinh đăng ký thi môn Lịch sử mình thích.
Báo động về sự lãng quên và né tránh môn Lịch sử đã diễn ra từ hàng chục năm nay. Ngành giáo dục, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và các chuyên gia lịch sử đã có bao nhiêu cuộc hội thảo, đưa ra bao nhiêu giải pháp nhưng vẫn chưa xoay chuyển được tình thế.
Báo chí cũng tốn bao nhiêu giấy mực để nói về việc khôi phục lại niềm đam mê của học sonh khi học sử. Vậy mà càng ngày số học sinh “né” và thờ ơ với môn sử vẫn cứ tăng lên.
Vì thế, không ít ý kiến của các chuyên gia sử học đã phải lên tiếng vì sự mai một và bỏ rơi môn học này. Bởi không biết đến lịch sử dân tộc và đất nước thì lam sao khơi dậy trong thế hệ trẻ và nhiều thế hệ tương lai về lòng yêu nước và ý thức dân tộc. Không thể chấp nhận một tầng lớp trí thức tài năng, hội nhập quốc tế mà lại lơ mơ về lịch sử đất nước mình. Càng không thề chấp nhận đội ngũ cán bộ ấy lại mơ hồ về chính trị. Thực tế đã cho thấy, một số trí thức đã sa ngã, mắc vòng lao lý chỉ vì ấu trĩ về chính trị, không phân biệt được đúng sai khi a dua chỉ trích và chống đối chế độ. Có cả những người nổi tiếng ở một số lĩnh vực nhưng đã sai lầm khi tham gia những nhóm chống đối Nhà Nước. họ cũng đã hiểu sai cả khái niệm yêu nước khi tham gia vào những cuộc biểu tình và phát tán những quan điểm sai trái.
Nói là các môn xã hội không thu hút học sinh mà học sinh chỉ chăm lo cho các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Ngoại ngữ. Thế mà kết quả thi cử năm nay, các môn tự nhiên cũng có rất nhiều điểm liệt mặc dù đề ra không khó. Nói là hội nhập quốc tế nên từ nhỏ học sinh đã được học và chăm lo cho môn Ngoại ngữ. Thế nhưng học hành kiểu gì mà môn thi Ngoại ngữ có hơn 80% điểm dưới 5, còn điểm liệt cũng có tỷ lệ không hề nhỏ. Sự thất ấy đã cho thấy rằng. Sự thật ấy đã cho thấy rằng, học sinh bây giờ thiếu kiến thức và không ham học. Vậy mà mong học hành đỗ đạt để ra làm quan, lên ông nọ, bà kia. Rất nực cười!
Chúng ta còn nhớ, từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã có một thế hệ người Việt Nam trình độ học vấn còn rất khiêm tốn nhưng lòng yêu nước, yêu độc lập, yêu tự do đã được thấm nhuần đầy đủ. Và tiếp bước cha anh, nhiều thế hệ tiếp theo đã phát huy tốt truyền thống quý báu ấy để làm nên cách mạng vẻ vang cho dân tộc và đất nước. Vậy mà hôm nay, khi điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, trình độ học vấn của người dân được nâng cao thì ý thức chính trị và tinh thần yêu nước lại giảm sút dần. Một nguyên nhân quan trọng là họ đang “mù” lịch sử và bàng quan với chính trị.
Vậy hà cớ gì lại buông xuôi môn Lịch sử trong ngành giáo dục? nếu còn tiếp tục duy trì quy định như hiện nay về lựa chọn môn thi thì tương lai môn Lịch sử sẽ còn mờ mịt nữa. Ai sẽ chịu trách nhiệm về hậu quả này ngoài các nhà hoạch định cho chương trình giáo dục?
ĐÀO DUY LỘC (sưu tầm – biên soạn)
(Đức Toàn – Nguồn: Năng lượng Mới 545)