Về phần Lăng (mộ) của Đào Duy Từ thì “Đại Nam Liệt truyện Tiền biên” (viết tắt: LTTB) cho biết là Chúa Sãi cho đưa linh cữu về Tùng Châu mai táng. Tùng Châu là tên xã thời ấy. Sang đời Gia Long, xã Tùng Châu được chia làm 9 thôn là Cự Tài, Phụng Du, Tấn Thạnh, Tân Bình, Phú Mỹ, Hội Phú, Phú Thọ, Cự Nghi và Cự Lễ đều thuộc tổng An Sơn và hiện nay 9 thôn của xã Tùng Châu thuộc hai xã Hoài Phú, Hoài Hảo. Trong đó Cự Tài là thôn chính vì ở giữa xã Tùng Châu trước kia (con cháu Đào Duy Từ sinh sống tại đây rất đông từ xưa cho đến nay), có đình chung cho 9 thôn. Nhưng mộ không ở Cự Tài mà ở 8 nơi. Trong số ấy, hiện nay Lăng chính là:
+ Thôn Phụng Du, xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định là Lăng chính (cách Đền thờ Đào Duy Từ tại thôn Cự Tài khoảng 2km)
+ Năm thứ 17 (1836) vua sai quan sở tại sửa sang phần Lăng "mộ") tại thôn Phụng Du.
Lăng Thái Sư Hoằng Quốc Công – Đệ Nhất Khai Quốc Công Thần Đào Duy Từ tại thôn Phụng Du, xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định (cách Đền thờ Thái Sư Hoằng Quốc Công Đào Duy Từ ở Cự Tài khoảng 2km) là Di tích cấp Quốc Gia vẫn chưa được quan tâm đúng mức, đang đứng trước nguy cơ hoang phế.
Khu lăng mộ được xây bằng đá ong có 4 trụ, phía trên là hình bông sen, trước đây khuôn viên lăng rộng 32 mẫu ta #16 mẫu tây, nay chỉ còn lại diện tích khoảng 150m2, đá xây tường bao quanh bị đổ, vỡ, cây cối mọc um tùm. Án, trụ biểu đều hư hỏng. Bia thì chỉ còn dấu vết trên bệ đặt. Hiện nay chính quyền địa phương cho người dân thuê lại đất để trồng mì, dừa xung quanh và áp sát bao vây làm hư chân lăng và bít kín không có lối vào.
Đây là di tích lịch sử, trong hệ thống những di tích còn lại của triều Nguyễn. Một di tích hình như đang bị lãng quên và có nguy cơ trở thành hoang phế. Chúng tôi con cháu Đào Duy Từ đau xót và ngậm ngùi cho một công trình dần dần xuống cấp, cỏ dại, cây cối mọc um tùm.
Trụ, tường bao quanh Lăng bị sụp đổ
Trụ Lăng bị nghiệng, nứt
Phía Trong Lăng cây cối mọc um tùm
Thành Lăng siêu vẹo, nứt, đổ
Người dân xung quanh đem rơm vào phơi (cất giữ) trong Lăng
Dĩ nhiên, việc trùng một di tích có cái khó của nó, nhưng để di tích này ngày càng bị phá hoại là điều thật đáng xót xa. Người dân xung quanh đây cho biết, ngôi mộ đã bị kẻ gian nhiều lần đào bới trộm của quý? trẻ nhỏ hàng ngày chăn trâu, bò vào phóng uế làm mất đi sự tôn nghiêm. Nhìn vẻ hoang tàn, sụp đổ do sự gặm nhấm của thời gian, cộng với nhang khói lạnh lùng khiến mọi người không khỏi chạnh lòng nghĩ đến một ngày kia di tích này có thể bị xóa sổ theo thời gian…
Nếu có dịp đến thôn Phụng Du, xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn tỉnh Bình Định, mời Quý vị hãy ghé thăm một phế tích lặng thầm. Hy vọng, di tích này sẽ được trùng tu trong nay mai, đem lại dấu ấn cho nơi đây. Và cũng không biết chừng, sẽ trở thành điểm du lịch lịch sử mang lại nhiều giá trị văn hóa của tỉnh Bình Định nói riêng và của Việt Nam nói chung.
Năm 1946 cụ Huỳnh Thúc Kháng (Minh Viên) Quyền Chủ Tịch Nước VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA có đến tham quan Hoài Nhơn và ghé thăm Lăng Đào Duy Từ tại thôn Phụng Du, xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, gặp gỡ con cháu họ Đào Duy, cảm đề một bài thơ đường luật:
Bể dâu thay đổi mấy Triều vương
Lũy cũ xanh xanh một dãi trường
Rêu đá lờ mờ kinh Hổ Trướng
Gió lau hiu hắt phú Long cương
Non sông trơ đó Thầy đâu vắng
Con cháu còn đây Giống vẫn cường
Công đức miệng người bia tạc mới
Nghìn thu mấy kẻ biết trông gương.
ĐÀO DUY LỘC (sưu tầm - biên soạn)
(Theo Sử Việt)