Lê Thánh Tông vừa là một vị vua anh minh, quyết đoán vừa là một nhà chính trị tài năng, một nhà văn hóa lớn của dân tộc.
Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, đã sản sinh ra rất nhiều anh hung dân tộc và nhân vật lịch sử tiêu biểu, trong đó có vua Lê Thánh Tông – một đấng minh quân văn, võ song toàn.
Ông không chỉ là vị vua trị vì lâu nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam, mà quan trọng là 38 năm ngồi trên ngai vàng, ông đã làm rạng danh đất Việt và để lại cho hậu thế nhiều bài học đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Lê Thánh Tông là vị vua thứ tư của triều Hậu Lê, kể từ vua Lê Thái Tổ (1428 - 1433), Lê Thái Tông (1434 - 1442), Lê Nhân Tông (1442 - 1459).
Vua Lê Thánh Tông húy là Tư Thành, còn có húy khác là Hạo hoặc Cảnh, con thứ tư của vua Lê Thái Tông và bà Ngô Thị Ngọc Dao, con gái của Thái Bảo Ngô Từ, một công thần khai quốc của triều Lê.
Ông sinh ngày 20 tháng 7 năm Nhâm Tuất (25/8/1442).
Ngay từ khi còn nhỏ, Lê Tư Thành đã có thiên tư khác thường, thần thái anh vĩ, trang nghiêm, ham học, ngày đêm không thấy rời quyển sách.
Khi Lê Nghi Dân, con cả của vua Lê Thái Tông trước đó bị biếm truất rồi âm mưu thoán đoạt đã giết mẹ con vua Lê Nhân Tông, lên ngôi vua lại phong Tư Thành làm Gia Vương và vẫn cho ở nhà Tây ở trong nội điện.
Ít lâu sau, các bậc của triều đình phế truất Nghi Dân rồi tôn lập Tư Thành lên ngôi Hoàng đế.
Lúc đó, Tư Thành tròn 18 tuổi.
Ngày mồng 8 tháng 6 năm Canh Thìn (1460), Tư Thành lên ngôi ở điện Tường Quang, xưng làm Thiên Nam động chủ, lấy ngày sinh làm Sùng Thiên Thánh Tiết đổi niên hiệu là Quang Thuận năm thứ 1, ban đại xá cho thiên hạ.
Lê Thánh Tông là vị vua thứ tư của triều Hậu Lê
(Ảnh: doisongphapluat.com)
Vua Lê Thánh Tông của triều Lê là một đấng minh quân, học rộng, tài cao. Với tổ tông thì hiếu nghĩa, với quần thần thì thương yêu.
Trong vòng 38 năm ở ngôi, vua đã sửa sang lại nhiều việc như: mở mang việc học hành, chăm sóc nông nghiệp, chỉnh đốn quân đội, đánh dẹp Chiêm Thành, Ai Lao khiến cơ nghiệp nước nhà ngày thêm vững mạnh, lừng lẫy một phương, kể từ thượng cổ đến lúc đó nước Đại Việt thật sự cường thịnh về mọi mặt.
Ngay từ khi mới lên ngôi, về thể chế, vua đã lo ngay việc tổ chức xã hội, phong tước và cấp ruộng cho các công thần.
Vua còn minh oan cho các bậc công thần bị kết án oan sai ngày trước, tìm con cháu Nguyễn Trãi cấp cho 100 mẫu ruộng để phụng thờ tổ tiên.
Đối với những người được ban quốc tính, thì vua cho phục tính lại để khỏi mất họ.
Một mặt, vua lo việc đền ơn các bậc công thần nhưng mặt khác vua cũng dốc lòng dốc sức vào việc cai trị đất nước.
Để làm cho việc khẳng định nền độc lập, Lê Thánh Tông rất quan tâm đến việc xác định rõ ràng cương vực của đất nước.
Năm Đinh Hợi (1467), niên hiệu Quang Thuận thứ 8, vua sai quan ở các đạo điều tra địa hình giới hạn, ghi rõ trong hạt có những sản phẩm gì, đường giao thông thủy, bột thế nào, sông núi hiểm trở ra sao hay chỗ nào có sự tích gì, tất cả đều phải ghi chép đầy đủ, rõ rang, vẽ thành bản đồ gửi về bộ Hộ để tập hợp làm thành bản đồ cả nước.
Tới năm Kỷ Sửu (1469), niên hiệu Quang Thuận thứ 10 thì bản đồ cả nước hoàn thành, lần đầu tiên xác định rõ lãnh thổ và cương giới đất nước. Bản đồ này làm xong vào cuối năm Quang Thuận nhưng vẫn được gọi là bản đồ Hồng Đức.
Đó là một bước tiến triển rất cao về sự thống nhất đất nước, đầy đủ chủ quyền của nước Đại Việt ta lúc bấy giờ.
Vua Lê thánh Tông còn sai Ngô Sĩ Liên hoàn thành bộ Đại Việt sử ký toàn thư. Đây là một công trình biên soạn lịch sử rất có giá trị.
Về quân sự, vua Lê Thánh Tông là người tổ chức quân đội rất có kỷ cương và nghiêm chỉnh. Hơn nữa, vua còn đích thân đề ra các trận pháp.
Vua ra lệnh cho các quan Tổng binh phải luôn luôn giảng dạy, tập luyện trận đồ cho tướng sĩ.
Do ậy, quân đội thời Hồng Đức lập được nhiều chiến công oai hung, mở rộng cương vực, rất được các nước láng giềng kính phục.
Để quản lý quân đội một cách thuận tiện, dễ dàng, vua quyết định đổi 5 vệ quân ra 6 phủ là: Trung quân phủ, Nam quân phủ, Đông quân phủ, Bắc quân phủ và Tây quân phủ.
Mỗi phủ có 6 vệ, mỗi vệ có 6 sở, mỗi sở có 400 người. Tổng số quân cả 5 phủ là 72.000 người. Đây là số quân tại ngũ, không kể số quân cho thay phiên về cày ruộng theo chính sách “Ngụ binh ư nông”.
Tổng số quân tại ngũ, quân thường trực và quân về cày ruộng là 16 vạn.
Thư tịch ghi lời của vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497) nói với các quan phụ trách biên cương vào tháng 4/1473 (Ảnh: baodaklak.vn)
Đội quân 16 vạn này được tổ chức chặt chẽ, có kỷ luật và kỹ thuật chiến đấu cao.
Hàng năm, quân sĩ đều phải tập trung ở địa phương hoặc về Kinh sư để tập thủy trận.
Trang thiết bị quân đội thì có thêm vũ khí mới như ống phun lửa gọi là hỏa pháo và hỏa đồng.
Cũng như thi văn, vua đặt lệ 3 năm có một kỳ thi võ, tướng sĩ ai đỗ thì thưởng, ai hỏng thì phạt, tất cả mọi người đều hăng hái luyện tập võ nghệ.
Dưới thời Lê Thánh Tông, quân đội thực sự hùng hậu, đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ lãnh thổ và chủ quyền quốc gia, nổi tiếng là quốc gia mạnh bậc nhất ở vùng Đông Nam Á.
Đi đôi với biện pháp ngăn chặn, hạn chế quyền lực của các thế lực địa phương, Lê Thánh Tông tăng cường đàn áp bạo loạn, nhất là những hành vi bạo phản ở vùng biên giới có sự tiếp tay của các thế lực ngoại bang ở cả phía Tây, phía Bắc và phía Nam.
Bổ trợ cho hoạt động đó, triều đình tiến hành quản lý chặt chẽ hơn trước đối với những thổ quan miền biên viễn: ngoài việc cử những viên quan tin cậy người miền xuôi lên trấn trị những vùng hiểm yếu của biên cương, triều đình còn buộc họ phải thực hiện nghiêm ngặt các quy định, nghi thức của triều đình; mặc dù được tự trị lớn song các viên quan người địa phương phải chịu sự giám sát của triều đình và họ không có quyền thế tập nếu không có quyết định của triều đình.
Khi tiếp kiến quan trên, những thổ quan phải đội mũ đeo đai giống các viên quan khác, không có quyền ăn mặc theo lối riêng; nếu có công họ được ban thưởng, nếu có tội họ sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo luật nước.
Nhằm chống nguy cơ xâm lấn từ bên ngoài và làm phản từ bên trong, Lê Thánh Tông coi trọng việc sử dụng các biện pháp pháp luật.
Bộ luật Hồng Đức đã thể chế hóa những tư tưởng, chính sách, biện pháp để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh quốc gia qua khá nhiều điều luật, chẳng hạn: Các quy định trừng phạt các hành vi xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền kinh tế quốc gia như: trốn ra nước ngoài (Điều 71), bán ruộng đất ở bờ cõi cho người nước ngoài (Điều 74), bán binh khí và thuốc nổ cho người nước ngoài (Điều 75), chặt tre, gỗ phá thế hiểm yếu vùng biên giới (Điều 76).
Các quy định trừng phạt hành vi phá hoại an ninh quốc gia và trật tự ven biên, như: mưu phản (Điều 25), thông đồng với người nước ngoài tiết lột bí mật quốc gia (Điều 79).
Các quy định trừng phạt hành vi vi phạm trách nhiệm của quan lại trấn ải nơi biên giới như: tướng sĩ trấn giữ nơi biên ải mất cảnh giác làm tổn hại nghiêm trọng đến chủ quyền và an ninh quốc gia (Điều 613).
Như vậy có thể thấy rằng trong một Bộ luật Hồng Đức với 13 chương 722 điều đã có 8 điều quy định về bảo vệ an ninh, lãnh thổ đất nước, chống thù trong, giặc ngoài.
Đây cũng là một trong những yếu tố xác định vị vua có tư tưởng pháp trị nhất trong xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc thời Lê Sơ.
Xây dựng nhà nước độc lập, thống nhất trên cơ sở bảo toàn lãnh thổ là một nội dung tư tưởng nhất quán trong đường lối trị nước của Lê Thánh Tông.
Tư tưởng đó không chỉ là tư tưởng chỉ đạo mọi hành động mà còn thể hiện ở những chủ trương, chính sách cụ thể của vua Lê Thánh Tông. Những chính sách đó không chỉ là cơ sở mà còn tác động sâu sắc tới các triều đại sau.
Ở đây cũng cần nhấn mạnh rằng, chính sách đối ngoại của vua Lê Thánh Tông vừa cứng rắn vừa mếm dẻo, uyển chuyển đối với các nước láng giềng.
Ông đã từng nói: “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại tự tiện vứt bỏ?... Nếu người nào dám đem một tấc đất của vua Thái Tổ để làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di”. (Đại Việt sử ký toàn thư).
Câu nói trên giống như một tuyên ngôn đanh thép về chủ quyền, độc lập dân tộc. Uyển chuyển để giữ thế ứng xử trong ngoại giao, nhưng cứng rắn để giữ từng tấc đất, từng thước núi của cha ông.
Việc sử sách ghi lại rất nhiều những cuộc tuần du, duyệt võ, dùng binh của Lê Thánh Tông đều không nằm ngoài mục đích bảo vệ và giữ yên bờ cõi.
Dưới thời Lê Thánh Tông, các chính sách ngoại giao được gắn liền với việc bảo vệ chủ quyền dân tộc và chủ quyền dân tộc lại được xác nhận bằng một văn bản có tính chất nhà nước đó là bản địa đồ toàn quốc, vẽ và công bố cho thần dân trong cả nước đều biết.
Đó là Hồng Đức bản đồ (hay bản đồ Hồng Đức như phần trước đã đề cập). Hồng Đức bản đồ đã đi vào chính sử và nổi tiếng có đến hơn 500 năm…
Trong cuộc đời của mình, Lê Thánh Tông đã đi tuần du khắp nước. Ở đâu cũng thấy ông lưu đề văn thơ, khi thì trên một vòm hang, khi thì trên một vách núi, một cửa biển…
Ở đây, không chỉ đơn thuần là chuyện đề vịnh của một thi nhân cảm hứng trước sơn thủy hữu tình, mà đó chính là ý thức của một vị hoàng đế về giang sơn xã tắc.
Trong một bài thơ đề ở vách núi Truyền Đăng (nay là Bài Thơ thuộc tỉnh Quảng Ninh), Lê Thánh Tông đã hạ một câu thơ bất hủ: “Thiên Nam vạn cổ hà sơn tại” (Muôn thuở trời Nam, núi sông còn mãi).
Lê Thánh Tông là một vị vua anh minh, quyết đoán, giữ vị trí hàng đầu trong công cuộc củng cố nhà nước phong kiến, trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước về các mặt kinh tế, chính trị, quốc phòng và văn hóa.
Ông không chỉ là một vị vua giỏi mà còn làm một nhà chính trị tài năng, một nhà văn hóa lớn của dân tộc.
Tài liệu tham khảo:
“54 vị Hoàng đế Việt Nam”, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội – 2008.
“10 vị Hoàng đế Việt Nam tiêu biểu”, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội – 2011.
ĐÀO DUY LỘC (sưu tầm – biên soạn)
(Theo Đại tá Đặng Việt Thủy)