“Lại nhân nằm mơ thấy cọp đen sinh cánh mà được Nguyễn Hữu Tiến, rồi tiến cử làm tướng”.
Một hôm Lộc Khê hầu ngồi chơi, vì trong triều chưa có đủ các danh tướng để họp nên nghiêng lưng nằm bên ghế. Chợp mắt say giấc một lúc, mơ thấy đông người tụ họp ở phía trước đang luận binh giảng võ, dàn đặt thế trận. Bỗng thấy một con hổ đen từ phía nam nhảy vào trước sân lắc đầu vẫy đuôi, giở nanh múa vuốt rồi nhảy vào trong nhà ôm cột trụ thứ ba, đầu rướn lên, đuôi thõng xuống dưới. Lộc Khê hoảng hốt vội gọi quân lính vây đánh. Bỗng nhiên con hổ đen từ hai bên nách mọc ra hai cánh rối bay vút lên trời về phía đông nam, cất tiếng gầm vang như sấm.
Lộc Khê kinh sợ tỉnh dậy mới hay đó là chiêm bao. Bấy giờ trống lầu canh phía đông đã điểm ba tiếng. Nay ta chiêm bao thấy hổ mọc cánh ắt có người hiền tài đến tìm mình để phò tá chúa thượng thống ngự cơ đồ to lớn. Nghĩ vậy, Lộc Khê một mình ngồi thâu đêm đến sáng cho đến khoảng giờ Tỵ đều không thấy ai qua lại. Lộc Khê đứng dậy trở vào phòng riêng, chợt thấy từ phía nam có một người thân thể tráng kiện, mặc áo đe đã sờn rách, tay cầm chiếc quạt long bước vào đứng trước sân khẽ giọng xin chẩn cấp cứu trợ.
Lộc Khê thấy người ấy anh hùng lẫm lẫm, tướng mạo đồng đồng, phong độ tư thế vượt khác người thường, lại có sức mạnh dời núi nâng vạc. Lộc Khê, bèn hỏi: Ông là người ở đâu? Họ tên là gì? Tuổi tác bao nhiêu? Tại sao lại không kế nuôi thân đến nỗi cơ cực như thế? Ông mau nói rõ ta nghe!
Người ấy thưa rằng:
Tiểu nhân người xã Vân Trai, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, xứ Thanh Hóa, họ Nguyễn tên Tiến, biểu danh là Thuận Nghĩa, sinh năm Nhâm Dần (1602), năm nay tuổi ba mươi. Hữu Tiến sớm mồ côi (lại) nghèo khổ (nhưng tính tình) điềm tĩnh, quả quyết, có chí lớn.
Lộc Khê nghe nói nửa thương nửa mừng, bèn mời lên sảnh đường. Thuận Nghĩa bước đến cột thứ ba thì vòng tay ôm cột mà đứng. Một lúc Thuận Nghĩa nhìn phía đông nam rồi đi ra, bước xuống thềm mà lạy chào, Lộc Khê mừng, bèn gọi lại nuôi dưỡng trong nhà.
Khoảng vài tháng sau, Lộc Khê Đào Duy Từ thấy Thuận Nghĩa quả là người thông minh, nhạy bén, sức khỏe, mưu lược hơn người, tài năng xuất chúng nên gả con gái Đào Thị Hưng cho Hữu Tiến vào năm 1631 và tiến cử với Sãi Vương. Nguyễn Hữu Tiến được trao chức Đội trưởng, chỉ huy đội thủy binh nội thủy Địch cần thuyền.
Năm 1648 Hữu Tiến phá binh Trịnh tại cửa biển Nhật Lệ, chém hơn mười (10) tướng, bắt sống ba vạn tù binh và trận này được sử nhà Nguyễn khen là “võ công bậc nhất”. Lập đồn Võ Xá, hiệu là đạo Lưu Đồn. Lại kéo quân vượt Linh Giang đánh chiếm đất bảy huyện ở Nghệ An, sau trở về tấn thủ đạo Lưu Đồn.
Sau vì bệnh mà mất năm (1665), được Chúa tặng Tả Quân Chưởng phủ sự, Tiết chế, Quận công. Nhân dân nhớ ơn, lập đền thờ phụng. Gia Long năm thứ 4 (1805), được liệt vào hạng Khai Quốc Công Thần Thượng Đẳng, thờ theo ở Thái Miếu, cấp 15 mẫu ruộng làm tự điền, sáu (06) tên phu coi mộ, cho con cháu một người nối đời làm Đội trưởng để giữ việc thờ cúng. Minh Mệnh thứ 12 (1831), truy tặng chức Thái Bảo, tước Anh Quốc Công, lại cho thờ theo Võ Miếu. Con là Hữu Uy làm quan đến chức Trấn thủ dinh Bình Khang.
Người đời sau có thơ bình tán Thuận Nghĩa như sau:
Nghiệp dựng trời cao sáng đẩu tinh,
Vua tôi gặp gỡ đất Nam Thành.
Văn thần thao lược bày rồng hổ,
Võ tướng xông pha mạnh giáp binh.
Thu hết càn khôn khoe tuấn kiệt,
Tung hoành bốn biển rạng uy linh.
Bảo đao sáng suốt oai thần vũ,
Thuận Nghĩa danh lừng thật hiển vinh.
ĐÀO DUY LỘC (sưu tầm – biên soạn)
(Theo Sử Việt)