“Đào Duy Từ khéo can gián, Chúa nhiều vị nể nên thường nghe theo. Ông thường khuyên Chúa lập phép duyệt tuyển để chọn đinh tráng làm lính, thi hành phép khảo thí để thu nhân tài”.
Phép duyệt tuyển là duyệt dân, chia dân thành từng hạng để đánh thuế sai dư (thuế thân) và tuyển lính: “… Chúa Hy Tông (Sãi Vương) noi theo quy chế đời Hồng Đức, và các Chúa kế sau đều thi hành: 6 năm một lần duyệt tuyển lớn gọi là “Đại Điển”, 3 năm một lần duyệt tuyển nhỏ gọi là “Tiểu Điển”. Đến năm duyệt tuyển thì tháng giêng sai các Tổng, Xã làm sổ hộ tịch… chia làm các hạng.
1. Tráng là hạng mạnh khỏe để sung vào quân đội.
2. Quân là hạng người được ở nhà làm ruộng, đến khi quân ngũ có thiếu thì theo thứ tự trong sổ sách lấy mà bổ sung.
3. Dân là người 18 tuổi trở lên, không được chọn làm binh lính.
4. Lão
5. Tật là người tàn tật.
6. Cố là người làm thuê.
7. Cùng là người nghèo túng.
8. Đào là người bỏ trốn.
Đến tháng sáu (06) thì duyệt tuyển. Ở các địa phương lập nên các tuyển trường, có quan văn, võ do Trung Ương phái đến phụ trách việc duyệt tuyển…
Duyệt tuyển ở tuyển trường một (01) tháng thì xong. Xã nào thấy sự ấn định các hạng dân có nặng cho mình, có quyền làm đơn xin xuống hạng.
Còn phép khảo thí thì: “… Các Chúa Nguyễn không mở trường đại học công, để dân gian tùy ý lập trường tư dạy học, chính quyền chỉ tổ chức các kỳ thi”.
Đời Chúa Hy Tông (Sãi Vương), năm Nhâm Thân (1632) bắt đầu thi hành phép duyệt tuyển và mỗi kỳ duyệt tuyển thì ra lệnh cho học trò các huyện đến Trấn dinh để khảo thí một ngày, kỳ thi ấy gọi là ”Quận thí mùa xuân”. Phép thi có một bài thơ, một đạo văn sách, dùng tri phủ, tri huyện làm sơ khảo, ký lục làm phúc khảo, người thi đỗ gọi là Nhiêu học, được miễn thuế sai dư (thuế thân) 5 năm. Lại thi viết chữ Hoa văn (Hoa văn tự thể), người nào trúng thì bổ làm việc ở ba Ty Xá sai. Tướng thần lại, Lệnh sử.
Từ đó về sau, việc thi cử ngày một kiện toàn. Như đời Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan (1635 - 1648) năm Bính Tuất (1646) định phép thi hội mùa Thu (Thu vi hội thí) 9 năm một kỳ mở hai khoa Chính đồ và Hoa văn tại phủ Chúa ở Phú Xuân. Người đỗ khoa Chính đồ được bổ làm Tri Phủ, Tri Huyện, Huấn Đạo, Lễ Sinh. Người đỗ khoa Hoa văn thì được bổ làm việc ở ba Ty. Sang đời Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (1648 - 1687), năm Ất Mão (1675) đặt thêm khoa thi Thám Phỏng, hỏi về tình hình trong nước và việc Lê Trịnh, người thi đỗ được bổ vào Ty Xá sai. Đến đời Chúa Quốc Nguyễn Phúc Chu (1691 - 1725), năm Ất Hợi (1695) lại đặt thêm khoa thi Văn chức và Tam ty ở sân phủ Chúa để khảo xét năng lực quan lại. Xem đó ta thấy việc học hành và thi cử dưới thời các Chúa Nguyễn rất thực dụng về đường thực dụng: cốt chọn cho có người am hiểu việc Nước để đáp ứng với nhu cầu dùng người lúc bấy giờ hơn là mặt văn chương. Tuy thế, “văn mạch vẫn nối liền không dứt”, như nhận xét của Lê Quý Đôn trong “Phủ biên tạp lục”. Được như thế không thể quên công người mở đường: Lộc Khê Hầu Đào Duy Từ.
ĐÀO DUY LỘC (sưu tầm – biên soạn)
(Theo Sử Việt)