Trước năm 1968 vẫn còn treo ở gian giữa Đền Thờ Thái Sư Hoằng Quốc Công – Đệ Nhất Khai Quốc Công Thần Đào Duy Từ tại thôn Cự Tài (Tùng Châu), xã Hoài Phú, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định (con cháu Đào Duy Từ sinh sống tại đây rất đông từ xưa cho đến nay). Đền Thờ bị hư hại trong chiến tranh, vừa qua đã được con cháu đóng góp xây dựng lại. Hiện tại Đền Thờ còn một thần vị bằng gỗ, sơn son thếp vàng, khắc họ tên Thụy hiệu cùng quan hàm tước vị của Đào Duy Từ và của phu nhân là Cao Thị Nguyên.
Ngoài ra Đền thờ còn lập bàn thờ ông Trần Đức Hòa, người xã Bồ Đề, huyện Bồng Sơn, phủ Hoài Nhơn (xã Bồ Đề sang đời Gia Long được chia làm nhiều thôn thuộc Tổng An Sơn và Tổng Tài Lương, trong đó có thôn Hy vẫn thuộc Tổng An Sơn, là quê quán của Trần Đức Hòa). Trần Đức Hòa được phối tế nhưng lời khấn lại ghi: “Khám Lý Cống Quận Công Trần Tiên Sinh chi linh” và bàn thờ người nhà giàu ở huyện Bồng Sơn (Tổng Tài Lương), phủ Quy Nhơn họ Lê, không rõ tên, sau Đào Duy Từ tôn làm đưỡng phụ (cha nuôi) nên trong Đào tộc Phổ hệ chép là “Dưỡng tổ Lê Đại Lang”. Tất cả các sắc phong, gia phả... cũng như Lăng, nhà từ đường, Bồ Đề tự (Chùa Bà) đều thuộc quyền sở hữu, điều hành và quản lý của Đền thờ.
Sự tích “Trôi Đầu Trâu” là vào năm 1957 phía sau Đền thờ Thái Sư Hoằng Quốc Công Đào Duy Từ có con suối chảy qua, trong lúc làm trâu vào dịp Lễ húy kỵ ngày 17 tháng 10 âm lịch (thời gian này hàng năm thường xảy ra bão, lũ) để dâng cúng, sau khi làm xong để đầu trâu trên bờ suối, trời mưa lớn nước lũ trên núi đổ về nhanh quá và đã trôi mất đầu trâu.
Đình Tùng Châu (Thành Hoàng) và còn được nhân dân gọi "Đình chín xã (thôn) hay "Đình Cự Tài" (cách Đền Thờ Cự Tài khoảng 1km) là đình xã Tùng Châu thời Chúa Nguyễn. Đình xây dựng từ bao giờ chưa khảo sát được nhưng biết chắc chắn là khi các Chúa sau Chúa Sãi phong Đào Duy Từ làm “Vỹ quốc Gia mưu Phù vận Tán trị Chi thần” đình thờ đã có, dân xã Tùng Châu được Chúa cho phép rước sắc phong thần về thờ Ông làm “Thành Hoàng”. Đình do dân lập nên việc thờ phụng Ông cũng do dân xã Tùng Châu trước kia rồi dân 9 thôn sau này lo lấy. Hằng năm ngoài lệ xuân kỳ thu tế, đến ngày 17 tháng 10 âm lịch Lễ Húy kỵ (Chánh giỗ) Ông thì khi tế xong ở Đền thờ Thái Sư Hoằng Quốc Công – Đệ Nhất Khai Quốc Công Thần Đào Duy Từ ở thôn Cự Tài, xã Hoài Phú, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định là đến lượt “Đình Tùng Châu” tế, long trọng không kém.
Ngoài ra dòng họ còn giữ được một số sắc phong và hai cuốn gia phả:
1. Cao trục nhứt điện, ngày 15 tháng 5 Gia Long năm thứ 10.
2. Cao trục nhứt điện, ngày 17 tháng 10 Minh Mạng năm thứ 16.
3. Long chỉ nhứt điện, ngày 17 tháng 11 Minh Mạng năm thứ 20.
4. Tờ chiếu cấp do Bộ Hộ chiếu tự chuẩn y công đồng nghị định ngày 13 tháng 12 Gia Long năm thứ 4.
5. Bản thừa phụng do tỉnh Bình Định đương quan ngày 14 tháng 4 Gia Long năm thứ 5.
6. 02 cuốn gia phả (cuốn thứ nhất ghi niên hiệu Tự Đức, cuốn thứ hai ghi niên hiệu Thành Thái).
Về ruộng cấp thì "Đại Nam liệt truyện Tiền biên" (viết tắt: LTTB) cho biết các đời Chúa sau Chúa Sãi đã “lấy ruộng ở phường Đồng Dài thuộc huyện Bồng Sơn cấp làm ngụ lộc”. (huyện Bồng Sơn thời ấy bao gồm cả phần đất 3 huyện Hoài Nhơn, Hoài Ân, An Lão ngày nay). Sử cho biết quan lại dưới thời Chúa Nguyễn không lĩnh lương bổng đồng niên hay hàng tháng như sau này mà được cấp ngụ lộc thay lương bằng một trong ba cách:
- Cấp một số ruộng công, canh tác thu hoa lợi khỏi nộp thuế.
- Cho phép thu thuế ruộng tại một số xã.
- Cho phép thu thuế thân của dân trong một số xã.
Ở đây không nói rõ số ruộng cấp làm ngụ lộc nhưng theo quan chế thời bây giờ thì Đào Duy Từ được xếp vào hàng “Huân thần = Bề tôi có công lớn” thì được cấp 10 mẫu. Số ruộng này ở phường Đồng Dài (âm Nôm) thuộc huyện Bồng Sơn. Vào thời ấy phường là đơn vị hành chánh vùng ven núi hay ven biển, tương đương cấp xã ở đồng bằng. Nay Đồng Dài là thôn Năng An xã Ân Tín huyện Hoài Ân. Còn 15 mẫu ruộng mà Vua Gia Long cấp làm tự điền thì ở thôn Chánh Mẫn nay thuộc xã Cát Nhơn, huyện Phúc Cát, tục gọi là “ruộng công thần”.
ĐÀO DUY LỘC (sưu tầm - biên soạn)
(Theo Sử Việt)