Cuốn “Duy Từ truyện”, các sử quan biên soạn “Đại Nam Liệt truyện Tiền biên” (viết tắt:LTTB) đã dành một đoạn viết về người cháu xa của Duy Từ là Duy Mẫn. Theo “Đào tộc phổ hệ” (viết tắt: ĐTPH) thì người cháu này thuộc đời thứ 7 (thất thế tổ tỷ), tính từ đời Duy Từ trở xuống. Và cũng theo ĐTPH, thì ở đời thứ 7 không phải chỉ có mình Duy Mẫn mà còn có hai người em ruột nữa đã cùng anh phò Nguyễn Vương Phúc Ánh (vua Gia Long), cả ba đều chết vì sự nghiệp Trung hưng của nhà Nguyễn Gia Miêu. Đoạn văn trong ĐTPH, phiên âm và dịch nghĩa như sau:
Ông Tổ đời thứ năm làm quan lớn (Đào Duy Điềm) tuy học ít nhưng được trời ban cho tính hiếu thảo và thành thật, khéo cư xử nên gia đình êm ấm, họ hàng thuận hòa, chẳng ai là chẳng trông gương mà thán phục. Lại thêm bà Tổ siêng năng làm lụng, dè sẻn tiêu pha, trị gia có khuôn phép, từng khuyên ông Tổ ra làm việc nước. (Ông nghe lời Bà) làm quan tới chức Chánh đề lĩnh phủ Thời Phú, tước Thụy Tường bá. Đến lúc Tây Sơn khởi dấy, ông cầm binh cùng địch giao chiến bất lợi, bèn rút theo binh triều về đóng tại hành ở phủ Điện Bàn dinh Quảng Nam. Kế bị binh Tây Sơn phủ vây rất ngặt, Chúa (Định Vương Nguyễn Phúc Thuần cùng cháu là Nguyễn Phúc Ánh) vượt biển vào Nam, Ông Tổ âm thầm trở về quê cũ bị quân Tây Sơn tìm bắt đòi của chuộc mạng. Về sau Ông Bá Tổ nghĩ tới ơn đức của nước nhà, hằng bữa chẳng quên. Bà Tổ tuy là đàn bà mà một dạ trung thành, đàn ông ít người bì kịp. Kế sau đó triều binh trở lại, ra lệnh các con ông (tức ông Cao cùng anh em ông Cao của kẻ hèn này – người trùng tu gia phả tự xưng) lập công để đáp ơn triều đình đã nhiều đời chiếu cố. Ông Cao của kẻ hèn này có lòng… (nghĩ tới) nghĩ Vua tôi, bèn dẫn các anh em con cháu nhất tề theo binh triều lập công. Mới biết trời chẳng phụ, ông Cao Đào Duy Mẫn làm quan đến chức Trung doanh Tham mưu, Khâm sai Tham tán, tước Thiệu Quang hầu. Đến năm Tân Dậu (1801) theo đạo trung quân đánh giặc, bệnh mất tại xã Phúc Sơn dinh Quảng Nam. Người em thứ 4 là Cao tổ Thúc Đào Duy Niệm làm quan đến chức Khâm sai Quản Cơ, tước Hạc Toán hầu. Đến năm Đinh Tỵ (1797) theo đạo quân ngự đánh giặc, về đến xã Phúc Thịnh thành Diên Khánh thì bị bệnh mà mất. Còn người em thứ 5 là Cao tổ Thúc Đào Duy Tàng làm quan đến chức Thủ hạp tước Xuân Quang tử, bị bệnh chết tại thành Gia Định. Hỡi ôi! Một nhà vì việc Vua mà chết, có thể đền đáp ơn đức nước nhà trong muôn một, khiến ông bà tổ đời thứ năm ở dưới suối vàng cũng yên tâm vậy.
Và cũng theo ĐTPH thì người được ấm thọ chức Cai hạp là con trưởng của Thiệu Quang hầu Đào Duy Mẫn, tên là Đào Duy Tân, chứ không phải là Đào Duy Tình như LTTB đã chép; còn Đào Duy Tình là con thứ của Thiệu Quang hầu, nhờ phụ ấm mà được tập tước Tình Ân hầu, chức Đội trưởng (Thất phẩm Đội Trưởng) và được gọi là “Thầy”, làm Giám phụng tại Đền Thờ Thái Sư Hoằng Quốc Công – Đệ Nhất Khai Quốc Công Thần Đào Duy Từ ở thôn Cự Tài, xã Hoài Phú, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.
ĐÀO DUY LỘC (sưu tầm - biên soạn)
(Theo Sử Việt)